Lấy nhân mụn là một bước quan trọng trong quy trình trị mụn. Nếu lấy nhân mụn không đúng cách, da mặt có thể bị tổn thương dẫn đến thâm, sẹo. Nếu bạn quan tâm đến cách lấy nhân mụn không cần nặn, cùng theo dõi trong bài viết dưới đây!
Trong mọi trường hợp, khi cần điều trị mụn, bác sĩ đều khuyên bạn cần lấy nhân mụn(cồi mụn) . Tuy nhiên, việc lấy nhân mụn chuẩn y khoa là tốt nhất. Một số loại mụn bạn có thể tự lấy nhân tại nhà. Khi đó, kỹ thuật nặn mụn cần đảm bảo để không làm tổn thương da và không làm lây lan mụn. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về cách lấy nhân mụn không cần nặn, ít làm tổn thương da.
Có cần lấy nhân mụn không?
Lấy nhân mụn là một bước trong quy trình trị mụn. Đây là hành động dùng lực tác động vào bề mặt da, tại vị trí xuất hiện nốt mụn để đẩy mụn ra ngoài. Lấy nhân mụn có thể chỉ dùng lực của tay, có thể dùng thêm các dụng cụ hỗ trợ.
Không nặn mụn có tự hết không? Trong hầu hết các trường hợp, mụn sẽ không thể tự hết nếu nhân mụn không được xử lý. Có những trường hợp nhân mụn tích tụ lại, bị xơ hóa hoặc oxy hóa tạo thành mụn đầu đen, mụn đầu trắng hoặc mụn sẩn. Cũng có trường hợp nhân mụn tạo mủ, khi lớn quá mức sẽ tự vỡ làm chảy dịch máu lẫn mủ ra ngoài.
Thông thường, với những người bị mụn, bác sĩ thường khuyên họ không nên tự ý nặn mụn vì những lý do như:
- Không nặn mụn đúng kỹ thuật dẫn đến việc không lấy hết nhân mụn, mụn sẽ tái phát và thường có xu hướng nặng hơn.
- Nặn mụn với lực quá mạnh làm trầy xước da, dẫn đến thâm, sẹo sau khi khỏi mụn.
- Nặn mụn bằng các dụng cụ không đảm bảo an toàn dẫn đến bội nhiễm.
- Không biết vệ sinh da đúng cách trước và sau khi nặn mụn khiến vi khuẩn gây mụn lây lan, làm vùng da bị mụn rộng hơn.
- Không xác định được thời điểm thích hợp để nặn mụn, nặn mụn khi mụn chưa chín nên vừa đau vừa không hiệu quả.
Tuy nhiên, mụn không tự sinh ra và cũng không tự mất đi, nếu nhân mụn không được loại bỏ đúng cách, thời gian khỏi mụn thường rất lâu thậm chí không thể khỏi mụn dứt điểm. Vì vậy, việc lấy nhân mụn là cần thiết trong quá trình trị mụn với điều kiện nặn mụn chuẩn y khoa. Bạn có thể lấy nhân mụn trong trường hợp mụn mủ, mụn viêm, mụn nang, mụn bọc, mụn sẩn… Tuy nhiên, không nên tự lấy nhân mụn tại nhà mà bạn nên khám bác sĩ da liễu để có thể loại bỏ mụn bằng các dụng cụ chuyên dụng được vô trùng.
Loại mụn nào bạn có thể tự lấy nhân mụn được?
Lấy nhân mụn sẽ giúp lỗ chân lông thông thoáng, làm sạch da, loại bỏ bớt tác nhân gây viêm giúp làn da bị mụn nhanh phục hồi. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rõ về các loại mụn cũng như đặc điểm của chúng để biết khi nào nên lấy nhân mụn và loại mụn nào bạn có thể tự lấy nhân được mà không cần trợ giúp của các kỹ thuật viên spa hay bác sĩ da liễu.
Một số loại mụn bạn có thể tự lấy nhân tại nhà như: Mụn cám, mụn đầu đen, mụn đã hình thành cồi mụn và đầu mụn đã khô, cứng, lộ rõ trên bề mặt da. Các nốt mụn đã chín, không có dấu hiệu sưng viêm, không đau bạn cũng có thể tự xử lý được. Lấy nhân mụn của các loại mụn này khá dễ dàng, ít gây đau đớn, ít gây tổn thương da và nguy cơ lây lan thấp.
Nên lấy nhân mụn bao lâu một lần? Tình trạng mụn của mỗi người một khác nên tần suất lấy nhân mụn sẽ khác nhau. Nếu xuất hiện các loại mụn không viêm trên mặt và số lượng mụn ít, bạn có thể áp dụng cách lấy nhân mụn không cần nặn tại nhà và thực hiện hàng tuần để da được sạch sẽ, thông thoáng.
Cách lấy nhân mụn không cần nặn
Cách lấy nhân mụn không cần nặn là cách khiến nhân mụn dễ dàng bị đẩy lên bề mặt da mà không cần tác động lực hoặc không cần dùng dụng cụ hỗ trợ nặn mụn. Ưu điểm của cách lấy nhân mụn này là ít gây đau, ít gây tổn thương da, có thể áp dụng thường xuyên tại nhà. Vậy đâu là cách lấy nhân mụn ra khỏi da mà không cần nặn:
Dùng kem bôi benzoyl peroxide 5%
Một số bác sĩ da liễu có thể tư vấn dùng kem bôi ngoài da benzoyl peroxide 5% để trị mụn trứng cá. Loại kem bôi này có thể tiêu diệt, giảm số lượng vi khuẩn gây mụn tồn tại trên bề mặt da.
Từ đó, kem bôi sẽ thúc đẩy quá trình đẩy cồi mụn, giúp bạn lấy nhân mụn ra khỏi bề mặt da một cách dễ dàng mà không cần nặn. Nếu khi sử dụng kem bôi, bạn thấy da bị khô, bạn có thể sử dụng loại có nồng độ benzoyl peroxide dưới 5%.
Dùng sản phẩm ủ mụn
Cách đầu tiên mà bạn có thể áp dụng là sử dụng các sản phẩm ủ mụn. Hiện nay trên thị trường đã có nhiều dòng sản phẩm chuyên dùng để ủ mụn. Cơ chế tác động của những sản phẩm này là đưa các hoạt chất thấm vào chân mụn. Khi đó, lỗ chân lông sẽ được giãn nở, nhân mụn được làm mềm hơn.
Các chất bã nhờn, bụi bẩn, nhân mụn thể nhẹ sẽ được đẩy lên bề mặt da sau khoảng 10 – 15 phút ủ. Tuy nhiên, cách này thường chỉ hiệu quả với các loại mụn cám, mụn đầu trắng, mụn đầu đen thể nhẹ. Khi nhân mụn được đẩy lên bề mặt da, bạn chỉ cần tác động nhẹ nhàng là có thể làm sạch mụn một cách hiệu quả.
Uống thuốc trị mụn theo kê đơn của bác sĩ
Một số loại thuốc kháng sinh, thuốc trị mụn có thể đẩy nhanh quá trình hình thành cồi mụn. Sau khi uống thuốc, bạn sẽ cảm thấy da khô hơn nhưng cùng với đó là việc cồi mụn hình thành nhanh hơn, se cứng lại và bị đẩy dần lên bề mặt da. Nhiều người trị mụn bằng thuốc theo kê đơn của bác sĩ cảm nhận được rõ nhân mụn bị đẩy lên bề mặt da rất nhiều và họ dễ dàng loại bỏ chúng chỉ bằng cách lau mặt.
Tự lấy nhân mụn tại nhà là cách trị mụn đơn giản có thể áp dụng trong trường hợp bị mụn nhẹ và các loại mụn không nghiêm trọng. Lưu ý khi lấy nhân mụn tại nhà mà bạn cần lưu ý là không lạm dụng các sản phẩm ủ mụn. Mỗi tuần bạn chỉ nên ủ mụn 1 lần nếu mụn không quá nhiều để giúp da sạch hơn và sáng hơn.
Cách lấy nhân mụn không cần nặn tuy đơn giản, tiện lợi nhưng không phải lúc nào cũng có thể áp dụng. Có những trường hợp bị mụn viêm, mụn mủ, mụn bọc phức tạp buộc phải nặn mụn mới có thể điều trị mụn hiệu quả, nhanh chóng và triệt để. Khi đó, buộc bạn phải đến những địa chỉ uy tín để được hỗ trợ lấy nhân mụn chuẩn y khoa.